VIDEO HAI HOAI LINH

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Thật, giả xáo tam phân

Xáo tam phân đã lên cơn sốt từ nhiều tháng qua khi có tin đồn ông Lê Hăng - một người học lóm bài thuốc từ anh Lương Sinh (ngụ thị xã Ninh Hòa - Khánh Hòa) chữa bớt bệnh xơ gan từ cây thuốc này. Đặc biệt, sau khi Viện Dược liệu Việt Nam có kết quả nghiên cứu ban đầu về dược tính của xáo tam phân có khả năng kháng một số dòng ung thư.

Anh Lương Sinh đau xót vì những mầm xáo tam phân cũng bị khai thác triệt để

Thuốc dỏm rất nguy hiểm
Cơn sốt xáo tam phân không chỉ diễn ra ở thị xã Ninh Hòa mà còn lan sang các tỉnh Ninh Thuận và Phú Yên. Ban đầu, mỗi ký xáo tam phân có giá vài trăm ngàn đồng, nay đã đẩy lên tiền triệu nhưng cung vẫn không đủ cầu. Vì vậy, xáo tam phân dỏm đã xuất hiện, rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nếu uống phải.
Anh Lương Sinh đã chỉ cách phân biệt cây xáo tam phân thật và giả khi chúng tôi mang đến thang thuốc của một lang băm ở xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa. “Đây không phải xáo tam phân mà chỉ là loại cây gỗ rừng. Cây xáo tam phân đúng tiêu chuẩn dược liệu thì trên thân phải có các đường vằn tương tự da rắn. Khi róc vỏ, thân cây sẽ trơn tuột và có mùi thơm dễ chịu chứ không hắc và nồng như các cây thuốc dỏm mà nhiều lang băm ở xã Ninh Vân đang bán. Lá cây xáo tam phân có màu xanh thẫm, mặt dưới có nhiều đường gân nổi và rất khó xé. Đặc biệt, khi sắc thì xáo tam phân rất thơm” - anh Sinh phân tích. Để chứng minh, anh Sinh đổ một thang thuốc xáo tam phân xuống đất, cách chúng tôi 2 m nhưng mùi thơm bốc lên ngào ngạt.
Theo anh Lương Sinh, chiều 18-12, trong lúc đến xã Ninh Vân có việc, anh gặp 3 xe chở toàn loại cây vú bò. Anh hỏi thì những người chuyên chở cho biết mang đi bán cho ông H., bà L. - những người kinh doanh cây xáo tam phân ở xã Ninh Vân. “Cây vú bò không có các vằn ở vỏ, sắc ra cũng không có màu vàng óng như mật ong mà trắng bệch và không có mùi hương. Thực ra, cây vú bò hay cây táo leo (cũng rất giống xáo tam phân) không tác hại trực tiếp nhưng về lâu dài thì sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh” - anh Lương Sinh khẳng định.
“Lòng tôi đau như cắt”
Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, giọng anh Lương Sinh nghẹn lại: “Cứ mỗi lần nhìn lên núi Hòn Hèo hay thấy những chiếc xe vào rừng đào đủ các loại cây giống xáo tam phân về bán cho người bệnh, lòng tôi đau như cắt. Chẳng phải tôi giữ lại cho mình nhưng cái kiểu tận diệt, kinh doanh trên nỗi đau người bệnh thì tàn nhẫn quá. Cây xáo tam phân có khả năng sinh sản như khoai lang vậy, chỉ cần để lại một vài chiếc rễ thôi, nó dễ dàng mọc lên nhiều mầm non khác. Tôi nhiều lần bỏ công việc lên núi để năn nỉ những người đào cây xáo tam phân nên chừa lại ít rễ để cây con có thể mọc lên nhưng họ chẳng nghe...”.
Theo anh Lương Sinh, thời điểm đi lấy thuốc cũng rất quan trọng vì tính dược trong cây xáo tam phân thay đổi: trời nắng khác trời mưa, buổi sáng khác buổi chiều... Thông thường, anh lấy thuốc vào lúc mặt trời mọc và chọn những cây có dáng thẳng đứng thì dược tính mới tốt. Khi bào chế phải rửa sạch cây, phân loại thân, cành, rễ, sau đó mới xắt lát. Thân cây xáo tam phân dùng cho người bệnh nhẹ, còn rễ dành cho người bệnh nặng... Sau khi uống thang đầu tiên, nếu người bệnh có biểu hiện lạ thì phải thay đổi phác đồ điều trị. Trong quá trình bào chế, thỉnh thoảng vẫn có những cây xáo tam phân bốc mùi lạ, lúc đó phải bỏ đi chứ không nên dùng vì có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.
“Bức tử” cây xáo tam phân
Tin đồn xáo tam phân như là thần dược đã làm cho cây thuốc này bị “bức tử”. Thị xã Ninh Hòa - Khánh Hòa, huyện Thuận Nam - Ninh Thuận và huyện Tuy An - Phú Yên là những nơi có nhiều cây xáo tam phân mọc tự nhiên, dù các ngành chức năng ra sức tuyên truyền, bảo vệ nhưng cũng không thể ngăn dòng người lên núi khai thác. Thực tế, cây xáo tam phân không nằm trong danh mục thực vật rừng quý hiếm nên rất khó có biện pháp triệt để nhằm ngăn chặn tình trạng trên. Theo chúng tôi, để tiếp tục làm sáng tỏ dược tính của cây thuốc này, các nhà khoa học nên có những công trình nghiên cứu quy mô, toàn diện hơn và cũng cần có kế hoạch bảo tồn nguồn gien của nó.















































Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More